Thanh Hóa: Đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ
Đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, từng bước hình thành và phát triển một số cụm liên kết các ngành công nghiệp chủ lực là một trong những nhiệm vụ được UBND tỉnh Thanh Hóa đặt ra trong Đề án phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh đến năm 2030.
Đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn về công nghiệp nặng
Theo Đề án, tỉnh Thanh Hóa tập trung ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có giá trị và có năng suất cao, trong đó trọng tâm là: Sản phẩm lọc hóa dầu, khí hóa lỏng, nhựa, hóa chất, điện tử viễn thông, dược phẩm và thiết bị y tế và các ngành công nghiệp hạ nguồn khác như may mặc, dệt may, da giày, thức ăn gia súc và chế biến thực phẩm; quan tâm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.
Phát triển công nghiệp chế biến chế tạo theo hướng kết hợp hài hòa cả chiều rộng và chiều sâu, trong đó chú trọng phát triển theo chiều sâu.
Có cơ chế, chính sách đột phá để thu hút và mở rộng quy mô sản xuất các ngành công nghiệp có thế mạnh, đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp nặng, trong đó trọng tâm là phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo dựng mối liên kết giữa vùng nguyên liệu chế biến với cơ sở sản xuất.
Bên cạnh đó, phát triển hợp lý các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động để giải quyết việc làm, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Ưu tiên thu hút một số ngành công nghiệp mới, công nghệ cao như thiết bị và linh kiện điện tử, vật liệu mới, tự động hóa… để tạo ra các động lực tăng trưởng mới. Đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, từng bước hình thành và phát triển một số cụm liên kết các ngành công nghiệp chủ lực.
Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân ngành công nghiệp 16,4%/năm
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân ngành công nghiệp 16,4%/năm; giai đoạn 2026-2030 đạt 12,2%/năm
Theo Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa, từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thu hút được một số dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Điển hình như Nhà máy STech Vina của nhà đầu tư Hàn Quốc tại Khu công nghiệp Bỉm Sơn với tổng vốn đầu tư khoảng 12 triệu USD đến nay đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Một số dự án đang trong quá trình triển khai hồ sơ thủ tục hoặc trong giai đoạn xây dựng như: Dự án sản xuất dây cáp điện của Công ty THN Corporation tại Cụm công nghiệp Hà Dương, huyện Hà Trung với tổng vốn đầu tư 231 tỷ đồng. Dự án Xưởng bảo trì, bảo dưỡng, chế tạo PECI Việt Nam của Công ty TNHH PECI Việt Nam với tổng vốn đầu tư khoảng 11 triệu USD tại Khu kinh tế Nghi Sơn.
Hiện tỉnh cũng đang nghiên cứu thành lập cụm công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may nhằm cung cấp các sản phẩm cho các nhà máy sản xuất may mặc trên địa bàn tỉnh và các vùng phụ cận.
Nguồn: Báo Xây Dựng