PGS.TS Trần Đình Thiên: Hút “đại bàng”, Thanh Hóa sẽ bùng nổ
Theo PGS. TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Thanh Hóa đang đứng trước cơ hội “cất cánh” nhờ tầm nhìn chiến lược và sự góp mặt của những “đại bàng” quốc tịch Việt.
– Thưa ông, Nghị quyết 58 NQ/TW về xây dựng và phát triển Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn 2045 nêu rõ quan điểm phát triển Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu, một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển kinh tế phía Bắc. Để đạt mục tiêu này, Thanh Hóa cần thực hiện những giải pháp gì?
PGS. TS. Trần Đình Thiên: Ý tưởng đưa Thanh Hóa thành một điểm trong “tứ giác” phát triển kinh tế phía Bắc cho thấy tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo tỉnh. Thanh Hóa vốn là “chóp” của Bắc Trung Bộ, nên việc trở thành một điểm trong “tứ giác” kết nối với các Trung tâm lớn của Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ là ý tưởng đúng. Kết nối và khai thác được lợi thế từ các trung tâm lớn ở phía Bắc, Thanh Hóa sẽ bùng lên.
Những năm gần đây, Thanh Hóa trỗi dậy khá mạnh. Thanh Hóa phát triển dựa vào “Tứ Sơn”: Nghi Sơn, Lam Sơn, Sầm Sơn, Bỉm Sơn. Cũng nhờ đó Thanh Hoá rất tự tin khi đặt vấn đề cùng ba tỉnh Bắc Bộ hợp thành “Tứ giác phát triển”.
Tuy nhiên, “Tứ giác” mới là ý tưởng. Để hiện thực hóa, Thanh Hóa phải chủ động định hình rõ hơn nội hàm ý tưởng, bàn với Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội về chức năng và phương thức liên kết. Hoặc tự Thanh Hóa phải chủ động đưa mình vào không gian “tứ giác” trước, từ đó, định hình cách liên kết với các tọa độ còn lại.
– Nếu phải đưa ra một hình dung về “chân dung” của Thanh Hóa trong thập niên tới, ông sẽ vẽ chân dung địa phương này với những nét chính nào?
PGS. TS. Trần Đình Thiên: Từ tầm nhìn và tư duy mới, cộng thêm xung lực từ các nhà đầu tư tầm cỡ, Thanh Hoá đang có cơ hội “cất cánh” trỗi dậy mạnh mẽ trong thập niên tới.
Quan trọng vẫn là tầm nhìn quy hoạch phải bài bản. Thanh Hoá cần định hình rõ chiến lược lấy Công nghiệp làm trọng tâm, Du lịch làm mũi nhọn đột phá, tập trung hút “đại bàng” đến làm tổ, hợp sức đưa Thanh Hoá trỗi dậy.
Nhưng thiếu hụt cũng chính là dư địa tốt cho phát triển. Tôi tin du lịch Thanh Hoá sẽ bùng nổ, trong đó, Sầm Sơn sẽ là điểm đến hấp dẫn, hút khách quốc tế.
– Nhiều DN lớn đã đầu tư vào Thanh Hóa. Gần đây, Sun Group khởi công tổ hợp siêu dự án hơn 1 tỷ USD ở Sầm Sơn. Ông nghĩ sao về câu chuyện hút “đại bàng” tư nhân, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch, đối với sự phát triển của Thanh Hóa?
PGS. TS. Trần Đình Thiên: Dấu ấn Sun Group tạo ra cho một số địa phương đặc biệt mạnh mẽ. Sun Group định hình đẳng cấp phát triển du lịch cho những nơi tập đoàn này đầu tư. Đà Nẵng là điển hình, sau đó là Phú Quốc, Hạ Long, tới đây sẽ còn thêm những tọa độ khác như Sầm Sơn, Thanh Hóa. Vingroup và một số DN Việt khác cũng đang làm theo cách đó.
Đó là những trụ cột đưa du lịch thành ngành mũi nhọn. Tôi không nghi ngờ tác động bùng nổ và lan tỏa phát triển mạnh khi Sun Group đầu tư vào Sầm Sơn.
– Ông nhận định gì về triển vọng phát triển du lịch Thanh Hóa khi Sun Group đầu tư lớn vào đây?
PGS. TS. Trần Đình Thiên: Đó là tín hiệu tích cực, mở ra triển vọng mang tính vận hội cho xứ Thanh.
Thanh Hoá chưa hút được khách quốc tế, doanh thu du lịch khiêm tốn. Sun Group có thế mạnh phát triển thị trường, đem đến cách làm du lịch bài bản, chuyên nghiệp, nâng tầm đẳng cấp du lịch cho tỉnh, thu hút nhiều nhà đầu tư khác.
Xét về năng lực tạo ra tọa độ du lịch hấp dẫn ở Việt Nam hiện ít DN làm được như Sun Group. Tập đoàn này sẽ đầu tư ở Thanh Hóa một hệ sinh thái du lịch cao cấp. Việc phát triển các tổ hợp lớn này sẽ nâng tầm du lịch Thanh Hoá.
Bản thân Sun Group là cái tên nói lên sự tin cậy trong việc tạo cảm hứng phát triển. Những lần gặp gỡ lãnh đạo Sun Group, họ đều chia sẻ rằng: Đã làm là phải “đẳng cấp”, không làm “thông thường”.
Tại Thanh Hoá, họ sẽ định hình chân dung Sầm Sơn với một chuẩn mực mới. Vấn đề là Sun Group tạo chân dung nào – trong vóc dáng và đường nét cụ thể – để xứng đáng với lịch sử và khát vọng của Thanh Hóa. Đó là vấn đề của Thanh Hóa: Chính quyền Thanh Hóa đặt ra điều kiện gì và hỗ trợ thế nào để Sun Group làm điều khác thường cho quê hương mình.
– Vậy theo ông, địa phương cần có sự chuẩn bị ra sao để biến thời cơ vàng hiện tại thành bệ phóng cho Thanh Hóa vươn ra thế giới?
PGS. TS. Trần Đình Thiên: Thanh Hóa cần tạo điều kiện tốt cho các nhà đầu tư như Sun Group làm ăn lâu dài. Đặc biệt là trong lúc này, khi Thanh Hóa đang có đà, có thế, có đủ điều kiện để bứt phá.
Chính quyền phải chủ động, quán triệt rằng nếu không tạo lập môi trường du lịch “đáng tận hưởng”, đầu tư thì du khách sẽ không vào Sầm Sơn, không đến Thanh Hóa.
Bên cạnh việc đưa du lịch thoát khỏi hình ảnh mùa vụ, giá rẻ, cần khẩn trương xây dựng một chương trình phát triển kinh tế đêm tổng thể, trong tổng thể chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn tới của Thanh Hoá như một nội dung ưu tiên.
– Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Báo Lao Động