Bỉm Sơn thu hút đầu tư nhờ lợi thế cận kề nút giao cao tốc Bắc – Nam với tổng mức đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng
Theo tiến độ, cao tốc Bắc – Nam đoạn lưu thông qua Ninh Bình, Thanh Hóa sẽ hoàn thành cuối năm 2022 giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa Hà Nội – Thanh Hoá.
Cao tốc Bắc Nam đoạn Mai Sơn – QL45 đang ráo riết thi công đoạn lưu thông qua hai tỉnh Ninh Bình, Thanh Hoá có tổng mức đầu tư hơn 12.111 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, dự kiến hoàn thành cuối năm 2022. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ rút ngắn thời gian di chuyển giữa Hà Nội – Thanh Hoá chỉ còn hơn 2 giờ đồng hồ thay vì hơn 3 giờ như hiện nay. Đồng thời, cao tốc Bắc – Nam với nút giao cách thị xã Bỉm Sơn chưa đầy 3km sẽ tạo lực đẩy phát triển và thu hút đầu tư vào Bỉm Sơn trong tương lai gần.
Đại diện Ban quản lý dự án Thăng Long (Bộ GTVT) cho biết, hiện dự án đang triển khai các mũi thi công tại 5 gói thầu, trong đó 30 mũi thi công đường, 34 mũi thi công cầu và cấu kiện, 4 mũi thi công hầm. Tổng sản lượng thi công đến nay đạt 2.428 tỷ đồng giá trị xây lắp.
Tại gói thầu số 10-XL ngang qua địa phận tỉnh Ninh Bình các hạng mục chính của gói thầu gồm 14,56 km đường, 6 cầu chính tuyến và các hầm đường, cầu vượt, hầm chui dân sinh đang được triển khai thi công. Riêng phần công trình xây đúc, đến nay đã triển khai đồng bộ tất cả các cầu, cống, hầm chui dân sinh đảm bảo tiến độ dự án. Riêng cầu vượt nút giao Mai Sơn đã hoàn thiện xong một số mố trụ và nhịp dầm đúc trên đà giáo…, theo tiến độ, đến cuối năm nay cơ bản hoàn thành các cầu trên tuyến.
Về phần đường hiện đang thi công đắp nền trên toàn tuyến, khối lượng đắp đạt 695.000 m3 (đạt 35%). Thời gian đầu dự án do khó khăn không có nguồn vật liệu đất đắp nền, nhà thầu đã sử dụng vật liệu sẵn có với giá thành cao hơn để thi công đảm bảo tiến độ. Nhờ Nghị quyết 60 của Chính phủ và UBND tỉnh Ninh Bình tạo điều kiện cấp phép khai thác mỏ đồi Trại Vòng (xã Quang Sơn, TP Tam Điệp), đến nay cơ bản đáp ứng tiến độ cung cấp vật liệu đất đắp của gói thầu. Đến nay giá trị xây lắp gói thầu đạt khoảng 380 tỷ đồng trên tổng số 1.120 tỷ đồng.
Đối với gói thầu số 11-XL có hơn 11 km đường và các cầu chính tuyến, cầu vượt ngang, hầm chui cùng một nút giao liên thông. Hiện gói thầu đang tổ chức các mũi thi công, sản lượng thi công đến nay đạt hơn 310 tỷ đồng. Gói thầu số 12-XL gồm 5,744 km đường và các cầu, hầm chui dân sinh cũng đang được nhà thầu tổ chức 8 mũi thi công, sản lượng thi công đến nay đạt gần 458 tỷ đồng.
Gói thầu số 14-XL dài 19,48 km, hiện đang tổ chức 18 mũi thi công bao gồm các hạng mục đường, cầu, hầm và hầm chui dân sinh, sản lượng thi công đến nay đạt hơn 570 tỷ đồng trên hơn 2.252 tỷ.
Chính quyền và người dân hai địa phương Ninh Bình, Thanh Hóa kỳ vọng dự án hoàn thành đúng tiến độ. Khi hoàn thành, tuyến cao tốc sẽ mang lại lợi thế hấp dẫn đầu tư cho các địa phương nơi có cao tốc lưu thông qua. Đơn cử như Bỉm Sơn với định hướng phát triển thành thành phố công nghiệp – dịch vụ công nghệ cao sẽ là địa phương đầu tiên hưởng lợi, thu hút dòng vốn đầu tư khi tuyến cao tốc hoàn thiện.
Nguồn: Đời Sống Pháp Luật